Đoàn chuyên gia khảo sát di tích tại Làng Kim Bảng: Gìn giữ và lan toả những giá trị tốt đẹp của di sản!

228 lượt xem admin 14/01/2025

LKB – Ngày 13/1/2025, một sự kiện đầy ý nghĩa đã diễn ra tại Làng Kim Bảng khi đoàn chuyên gia gồm các Phó Giáo sư, Tiến sĩ và chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử và mỹ thuật Phật Giáo đã có chuyến thăm và khảo sát tại những di tích quan trọng của làng, bao gồm Chùa Làng Kim Bảng, Nhà Văn hóa, Nhà bia tưởng niệm và Giếng Làng. Đây không chỉ là hành trình nghiên cứu, mà còn là cơ hội khơi dậy tình yêu và sự gắn bó của người dân với di sản quý báu mà cha ông để lại. Tham gia chuyến khảo sát có những tên tuổi uy tín của Viện nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cán bộ chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương. Cùng với sự đón tiếp chu đáo và trân trọng của lãnh đạo thôn cùng bà con địa phương, chuyến thăm đã trở thành một biểu tượng của sự kết nối giữa các thế hệ, giữa khoa học và truyền thống. Hành trình này không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu giá trị của những bia ký cổ, những địa danh lịch sử, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về trách nhiệm chung trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Đây là thông điệp đầy ý nghĩa mà đoàn chuyên gia và người dân Làng Kim Bảng muốn gửi gắm đến mọi người.

 

Đoàn chuyên gia khảo sát di tích lịch sử văn hoá và cách mạng tại Làng Kim Bảng

Tham gia đoàn có: PGS. TS. Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Quốc Sinh, Viện Sử học Việt Nam; TS. Lê Xuân Dũng, chuyên gia Mỹ thuật Phật giáo, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; Nhà sử học Ninh Văn Phương, Lãnh đạo Phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương. Về phía địa phương, tiếp đón đoàn có ông Phạm Văn Chiêm, Bí thư Chi bộ Trưởng thôn; các bà con Phật tử; và một số người con quê hương nhiệt thành.

Hoạt động tại các di tích

Đoàn chuyên gia đã tiến hành khảo sát các bia ký cổ tại Chùa Làng Kim Bảng, thực hiện tạm dịch một số văn bia quan trọng và thu thập thêm nhiều tư liệu quý giá. Tại Nhà Văn hóa, đoàn đã tham quan cây đa do cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng lưu niệm, một biểu tượng thiêng liêng gắn liền với truyền thống của quê nhà. Đặc biệt, đoàn dâng hương tưởng niệm tại Nhà bia và Giếng Làng, nơi ghi dấu công lao của các anh hùng liệt sĩ và đồng bào trong phong trào cách mạng đấu tranh giải phóng quê hương. Những nghi thức này không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc mà còn khơi dậy cảm xúc mãnh liệt về tinh thần hy sinh, kiên cường của thế hệ cha ông.

Đánh giá và khuyến nghị

Các thành viên trong đoàn bày tỏ sự trân trọng đối với giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo của các di tích tại Làng Kim Bảng.

PGS. TS. Phạm Văn Dương bày tỏ: “Làng Kim Bảng không chỉ là nơi lưu giữ các di tích cách mạng mà còn là kho tàng văn hóa lịch sử quý báu. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị này không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc.”

Nhà sử học Ninh Văn Phương nhận định: “Di sản văn hóa và lịch sử của Làng Kim Bảng là những mảnh ghép quý giá, góp phần làm sáng tỏ bức tranh toàn diện về lịch sử dân tộc. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là nguồn cảm hứng to lớn cho công cuộc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa quốc gia.”

Đặc biệt, Bia ký cổ trước sân Chùa Làng được xác định là hiện vật có ý nghĩa lớn, cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ giá trị lịch sử và niên đại. Qua nghiên cứu sơ bộ, các chuyên gia đánh giá: Bia cổ khả năng có niên đại từ thời Lý Trần hoặc thời Lê Trung Hưng với thời gian cách đây từ 236 năm đến khoảng 800 năm trước. Các chuyên gia cũng khuyến nghị cán bộ và nhân dân địa phương chú trọng bảo tồn, đồng thời phối hợp với các nhà khoa học, các cấp chính quyền các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân triển khai ngay việc bảo tồn hiện vật để tránh bị phong hóa, cũng như tiến hành khai thác giá trị lịch sử của hiện vật một cách bền vững, hiệu quả.

Hướng tới tương lai

Chuyến khảo sát không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu di tích mà còn là lời cam kết của các nhà nghiên cứu trong việc tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong việc khảo cứu các di tích, các dự án sắp tới để làm nổi bật tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Làng Kim Bảng trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương gắn với lịch sử của huyện, của tỉnh. Qua đó phục dụng, phát huy các địa danh trên quê hương thành một địa chỉ đáng tự hào trong bản đồ Di sản văn hóa Việt Nam.

Ông Phạm Văn Chiêm, Bí thư Chi bộ Trưởng thôn chia sẻ: “Lòng biết ơn và tình yêu quê hương chính là động lực để chúng tôi gìn giữ và phát huy di sản quý báu này. Chuyến thăm của đoàn chuyên gia hôm nay là một sự khích lệ lớn lao, giúp chúng tôi có thêm niềm tin để tiếp tục bảo tồn và lan tỏa giá trị lịch sử của làng”.

Chuyến đi khép lại với nhiều cảm xúc lắng đọng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người. Hành trình hôm nay không chỉ ghi dấu sự gặp gỡ giữa các nhà khoa học, cán bộ địa phương, người dân mà còn kết nối những trái tim yêu di sản, lan tỏa thông điệp về sự trân trọng và bảo vệ giá trị lịch sử, văn hóa thiêng liêng của dân tộc.

Một số hình ảnh trong chuyến khảo sát: 

Đoàn Lễ Phật tại Tam Bảo Chùa Làng Kim Bảng

 

 Các chuyên gia khảo sát và lấy tư liệu từ một số văn bia, trong đó có bia ký Lục lăng trước sân Chùa Làng Kim Bảng

   

Đoàn dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào tại Di tích Lịch sử cách mạng Nhà Bia & Giếng Làng Kim Bảng

 

Đoàn tham quan Di tích Cây đa do cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng và làm việc tại Nhà Văn hoá Làng

 

HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU QUÝ MẾN LÀNG KIM BẢNG

 

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x