LKB – Thành Đông & Thăng Long, 01/12/2024, yêu quý mến Làng Kim Bảng còn có nghĩa là yêu cả các làng bên, làng bạn và tất cả mọi người, có câu “Thóc An Điền, tiền làng Quao” – câu ví gợi nhớ về một thời sầm uất, giàu có của làng Quao (bây giờ là thôn Lâm Xuyên, xã An Phú, huyện Nam Sách, Hải Dương) nhờ nghề làm gốm truyền thống; hay câu “Làng Báng chở đất, Làng Quao nặn nồi” cho thấy không chỉ là một hình ảnh mộc mạc mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, phản ánh rõ nét về văn hóa lao động, sự gắn bó cộng đồng, và truyền thống của 2 làng nghề thân yêu này. Ấy vậy mà hiện nay trong làng Quao chỉ hiếm hoi tìm thấy được một vài vật dụng hay còn lại trong hồi ức những người cao tuổi. Việc “cứu” làng nghề truyền thống rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của các hương nhân, doanh nhân và cấp chính quyền, người dân để phục hồi, tìm hướng đi mới, thay đổi phù hợp, lưu giữ và phát triển giá trị văn hóa lịch sử này. Hội những người yêu quý mến Làng Kim Bảng xin được thông tin để Quý vị hương nhân và mọi người biết thêm về dấu tích và tinh thần cần cù, chịu khó, sáng tạo với khát vọng lưu giữ giá trị truyền thống, tôn vinh sự giản dị và vẻ đẹp bền bỉ, cùng sự kết nối hỗ trợ cộng đồng để khát vọng về những điều tốt đẹp khôi phục nghề truyền thống đặc biệt này.
Câu ca dao xưa “Làng Báng chở đất, Làng Quao nặn nồi” như một bức tranh mộc mạc mà sống động, kể lại câu chuyện về hai làng quê giàu truyền thống lao động và văn hóa, nơi từng là niềm tự hào của huyện Nam Sách. Đó không chỉ là một lời nhắc nhở về mối liên kết chặt chẽ giữa hai làng nghề, mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự phồn thịnh và khát vọng phát triển bền vững.
Thời vàng son của Làng Báng và Làng Quao
Hơn 500 năm trước, dư địa chí Hải Dương có ghi chép rằng Làng Quao (nay là thôn Lâm Xuyên) đã nổi danh với nghề làm gốm thủ công, gắn liền với những sản phẩm dân dụng như nồi, niêu, chõ đồ xôi, lọ, vại, hũ nhỏ… Gốm Quao không chỉ được ưa chuộng bởi sự bền chắc và vẻ đẹp giản dị mà còn là minh chứng cho tay nghề khéo léo của người thợ làng. Những sản phẩm từ Làng Quao từng được thương lái khắp miền Bắc tìm đến, mang đi tiêu thụ khắp nơi, làm rạng danh vùng đất này. Nhưng để gốm Quao có thể rực rỡ như vậy, không thể không nhắc đến vai trò của Làng Báng (Làng Kim Bảng), nơi người dân cần cù vận chuyển đất sét từ vùng nguyên liệu Kính Chủ (Kinh Môn) và muôn nơi đến Làng Quao. Hình ảnh những chuyến thuyền lớn chở đất, lặng lẽ băng qua dòng sông, mang theo niềm tin và hy vọng về những mẻ gốm mới, là minh chứng rõ nét cho sự gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai làng. Thời kỳ đó, cả Làng Quao và Làng Báng đều được xem là những làng quê giàu có, sầm uất nhất vùng. Từ những phiên chợ tấp nập, những lò nung đỏ lửa ngày đêm, đến những ngôi đình làng khang trang, tất cả đều là biểu hiện của một thời kỳ vàng son mà người dân hai làng từng tự hào.
Gốm Quao khác biệt với những làng gốm khác khi không sử dụng men và chủ yếu sản xuất các đồ dùng phục vụ dân sinh, rất thiết thực. Đặc biệt nguyên liệu và cách làm gốm vô cùng “khó tính”. Đất để làm gốm Quao phải cố gắng là đất Kính Chủ, huyện Kinh Môn, nguyên liệu dùng để đốt lò phải dùng cây tre, dóc lấy ở Bắc Giang. Người đốt lò sẽ dùng tay để điều khiển ngọn lửa thông qua việc điều chỉnh vị trí các cây tre, dóc tạo ra nhiệt độ mong muốn. Chính vì kĩ thuật cao như vậy nên người thợ đốt lò xưa vô cùng được trọng vọng. Gốm Quao được làm hoàn toàn thủ công, đất sét sẽ được nhào lặn cho chín rồi thấu nhuyễn dẻo mịn, kéo dài được như kéo bột mì làm bánh. Sau đó đất được đưa lên bàn xoay, dùng chân đẩy, tay vuốt để tạo hình dạng mong muốn, tiếp theo là cắt đáy và đem phơi khô cuối cùng cho vào lò nung. Chính nhờ nguyên liệu khắt khe, kĩ thuật thủ công mà gốm Quao có màu hồng tươi, xương mịn, bền chắc và vô cùng được ưa chuộng thời bấy giờ. Khi ấy, bao quanh làng là sông Quao thuyền vài chục tấn đua nhau ra vào để chở đất làm gốm, sản phẩm đem đi buôn bán khắp các vùng miền Bắc.
Trưởng thôn Lâm Xuyên cho biết thêm: “Nhờ nghề làm gốm mà làng Quao thịnh vượng nhất vùng, người dân trong làng rất giàu có. Thời sầm uất, riêng tháng 2 trong làng chỉ tổ chức các hoạt động hội hè, ăn chơi thu hút người dân xung quanh đến tụ họp tấp nập, đình làng khi ấy cũng to và bề thế vô cùng. Cũng chính vì sự trù phú mà nghề gốm đem lại đã thu hút người dân địa phương khác đến ngụ cư tại làng (Hà Nam, Hưng Yên…), thậm chí làng bên chỉ chuyên phục vụ chở đất cho Làng Quao làm gốm…”
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Lâm Xuyên (Làng Quao), chỉ vào phiến đá của chợ Gốm Quao sầm uất khi xưa được đưa lên Đình Làng Quao nay
Sự mai một của một thời vàng son
Thế nhưng, lịch sử không phải lúc nào cũng êm ả. Vào những năm 1940, đường vận chuyển nguyên liệu bị gián đoạn, cùng với sự xuất hiện của những sản phẩm thay thế, nghề gốm Làng Quao dần suy tàn. Đến cuối thế kỷ XX, những lò nung cuối cùng cũng tắt lửa, để lại trong lòng người dân không ít tiếc nuối. Làng Báng, từng là người bạn đồng hành gắn bó với Làng Quao, cũng không còn những chuyến thuyền chở đất sôi động như xưa. Giờ đây, hình ảnh “Làng Báng chở đất, Làng Quao nặn nồi” chỉ còn là câu ca vang vọng trong ký ức người già, nhắc nhớ về một thời thịnh vượng đã lùi xa.
Sau cách mạng, gốm Quao được khôi phục phần nào, năm 1965 Hợp tác xã đồ gốm Phú Điền được thành lập song sản phẩm dần mất thị trường, hợp tác xã giải thể, trong làng chỉ còn lại một số gia đình duy trì làm gốm. Theo trưởng thôn Lâm Xuyên Nguyễn Văn Tưởng, cách đây 30 năm, nghề làm gốm truyền thống ở làng hoạt động cầm chừng, những năm ấy sản phẩm làm ra phải tự mang đi bán tại các chợ quanh vùng không như trước đây thuyền buôn đua nhau tới tận cửa.
Trong những năm làng nghề gốm dần bị mai một, trong làng chỉ còn lại bà Hoàng Thị Bé – người làm gốm cuối cùng. Khi ấy, bà Bé làm gốm theo đơn đặt hàng như các niêu nhỏ đựng bùa, đồ hứng nhựa thông… trung bình mỗi tháng thu nhập được 2.4 triệu đồng, tuy không được như xưa nhưng vẫn đủ để bà duy trì với nghề. Nhưng cách đây vài năm do tai nạn gãy xương tay bà đã không còn làm gốm nữa, từ đó nghề làm gốm truyền thống tàn lụi. Hiện nay trong làng tuyệt nhiên không còn dấu vết của làng gốm xưa, chỉ hiếm hoi tìm thấy được một vài vật dụng gốm Quao còn sót lại. “Nhớ nghề, thích làm, muốn làm lắm nhưng không còn đất để làm, tay gãy rồi con cháu không cho theo nữa” – bà Bé chia sẻ khi được hỏi về nỗi niềm với nghề gốm đã gắn bó cả đời (bà làm gốm từ năm 6 tuổi đến năm 88 tuổi).
Nhiều sản phẩm, vật dụng bằng gốm dùng cho sinh hoạt trong gia đình & Bà Hoàng Thị Bé, sinh 1933, “người làm gốm cuối cùng” ở Làng Quao nay cũng đã không làm nữa
Những con người được nhắc nhớ
Trong số nhiều người góp công sức vào phát triển làng Gốm Quao cổ có hình ảnh ông Lái Khắc, người đưa sản vật của Làng Quao (thôn Lâm Xuyên) đi khắp muôn nơi, đã in sâu trong ký ức của những người dân vùng quê này. Từ một người lái thuyền, chở đất, củi, sản phẩm gốm nồi, niêu… ông không chỉ góp phần đưa danh tiếng của làng nghề lên tầm cao mới, mà còn là người tạo công ăn việc làm, hỗ trợ bao gia đình quê hương trong những giai đoạn khó khăn. Nhưng hành trình của ông không dừng lại ở đó. Với tinh thần yêu nước và trách nhiệm lớn lao, ông trở thành cán bộ Ủy ban Nhân dân, tiếp tục cống hiến cho quê hương. Trong những năm tháng kháng chiến, ông đã quên mình chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Hiện mộ ông an nghỉ trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Phú Điền.
Dòng máu lao động sáng tạo của ông Khắc đã chảy trong con cháu. Các thế hệ sau như Bà Khặc, Anh Thảo, chị Thắm Thiều đã nối tiếp ông làm nghề gốm. Họ từng duy trì và bảo tồn những kỹ thuật làm gốm thủ công, mang đậm dấu ấn của Làng Quao. Nhưng rồi, những thăng trầm của thời cuộc và sự thay đổi của xã hội khiến nghề gốm truyền thống dần mai một. Ngọn lửa trong những lò nung từng rực sáng ngày đêm giờ đây chỉ còn là ký ức.
Tuy nhiên, trong lòng con cháu cụ Khắc và những người dân Làng Quao, khát vọng mang lại những điều tốt đẹp hơn cho quê hương chưa bao giờ tắt. Những câu chuyện về cụ Khắc – từ một người lái thuyền cần mẫn, người cán bộ trách nhiệm, đến một liệt sĩ anh hùng – là nguồn cảm hứng lớn lao để con cháu tiếp tục phấn đấu. Họ không chỉ mong muốn giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn ấp ủ khát vọng phát triển quê hương theo hướng hiện đại, gắn kết kinh tế với du lịch, văn hóa.
Từ khát vọng phục hưng đến giấc mơ tương lai
Nhưng câu chuyện về Làng Quao không nhất thiết phải dừng lại ở nỗi tiếc nuối. Nếu Gốm Chu Đậu, cũng xuất phát từ vùng đất Nam Sách, từng có 400 năm bị thất truyền nhưng nay đã hồi sinh và trở thành niềm tự hào của gốm Việt Nam, thì tại sao Làng Quao không thể một lần nữa thắp sáng lửa nghề? Hội những người yêu quý mến Làng Kim Bảng tin rằng, sự liên kết giữa Làng Báng và Làng Quao vẫn còn đó, trong ký ức, trong tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của người dân hai làng. Một dự án phục hưng nghề gốm Làng Quao không chỉ là cơ hội để khôi phục một làng nghề truyền thống, mà còn là dịp để tái hiện những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá, mang lại sinh kế và niềm tự hào cho thế hệ hôm nay. Hơn thế nữa, việc phục dựng nghề gốm Làng Quao có thể kết hợp với các dự án phát triển du lịch làng quê của Làng Kim Bảng. Hãy tưởng tượng những du khách đến thăm Làng Kim Bảng, sau khi trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với Nhà Bia, Giếng Làng, Chùa Kim Bảng, Cây đa Tổng bí thư, Đình Làng truyền thống và đặc sắc sẽ tiếp tục hành trình xuôi dòng sông để ghé thăm Làng Quao, tận mắt chứng kiến quá trình làm gốm thủ công và mang về những sản phẩm đậm hồn quê. Sự kết hợp này không chỉ giúp bảo tồn nghề truyền thống mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương.
Bến sông xưa Làng Quao, nơi từng là bến sông lớn cho thuyền bè tấp nập qua lại chở gốm, chở đất đi khắp vùng
So với gốm Quao, gốm Chu Đậu cũng có nguồn gốc từ huyện Nam Sách và bị thất truyền nhưng hiện nay đã được hồi sinh, phát triển và trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của nghề gốm Việt. Trăn trở, đau đáu với nghề truyền thống dần bị mất đi, các cấp chính quyền đã có những biện pháp để lưu giữ làng nghề xưa. Trưởng thôn xã Lâm Xuyên cho biết: “Những năm nghề gốm dần mai một, chi bộ thôn đưa ra nhiều giải pháp để tìm thị trường, kỹ thuật, cách làm, cách chuyển đổi để có thể phục dựng lại nghề gốm cổ, khôi phục lại sự sầm uất, nhưng gốm Quao là nghề làm gốm truyền thống, không dùng men nên rất khó để chuyển sang gốm nghệ thuật như gốm Chu Đậu. Các nghệ nhân trong làng cũng không còn nhiều, nghề gốm bị các đồ dụng bằng vật liệu khác thay thế, không đem lại kinh tế lại vô cùng vất vả nên lớp trẻ “chê nghề”…”
Làng gốm Quao là một trong nhiều làng nghề cổ đang dần bị mai một, thất truyền, điều này không chỉ là mất đi một nghề với người dân mà còn mất đi giá trị văn hóa, truyền thống lâu đời của cả vùng miền, dân tộc. Chính vì vậy, việc “cứu” làng nghề truyến thống rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của không chỉ là các hương nhân, doanh nhân mà là của cả các cấp chính quyền và cả người dân trong làng để phục hồi, tìm hướng đi mới, thay đổi phù hợp với thị trường, lưu giữ và phát triển nét văn hóa lịch sử này.
Hội những người yêu quý mến Làng Kim Bảng xin được trích lại thông tin từ Báo Hải Dương điện tử và báo Đại biểu Nhân dân, nêu lên khát vọng và ý tưởng về một thời điểm thích hợp Gốm Làng Quao sẽ được khôi phục, phát triển và phát huy được những giá trị văn hoá, tốt đẹp cùng Làng Kim Bảng thân thương và hình tượng thông qua câu ca “Làng Báng chở đất, Làng Quao nặn nồi” sẽ trở nên sinh động và thực chất, mang lại Khoẻ Vui Hạnh phúc cho mọi
Hội những người yêu quý mến Làng Kim Bảng xin phép được chia sẻ những ý tưởng tốt đẹp, đồng thời gửi lời kêu gọi đến tất cả những người con quê hương, từ Làng Báng đến Làng Quao, từ Nam Sách đến khắp mọi miền đất nước cùng tất cả mọi người, hãy cùng nhau hành động để hồi sinh một làng nghề, tái hiện một câu chuyện đẹp về lao động và văn hóa. Sự chung tay của tất cả chúng ta – hương nhân, doanh nhân, chính quyền và cộng đồng – sẽ không chỉ là động lực để Làng Quao thắp lại lửa nghề, mà còn là cơ hội để cả hai làng phát triển, hiện thực hóa giấc mơ về một vùng quê không chỉ giàu có về kinh tế mà còn rực rỡ về văn hóa. Hãy để câu ca “Làng Báng chở đất, Làng Quao nặn nồi” sống lại, không chỉ trong ký ức mà còn trong thực tế, như một biểu tượng của sự đoàn kết, phát triển bền vững và niềm tự hào bất tận về quê hương.
HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU QUÝ MẾN LÀNG KIM BẢNG