Câu chuyện cảm động về Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút và các đồng đội, truyền thống và tinh thần vì quê hương đất nước!

64 lượt xem admin 21/11/2024

LKB – Kim Bảng, ngày 20/10/2024, Vùng đất Kim Bảng thuộc xã Phú Điền (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một địa chỉ đỏ về một vùng quê giàu truyền thống lịch sử văn hoá và cách mạng, nơi của những người con kiên trung, anh dũng, sẵn sàng hy sinh cho đất nước và quê hương. Câu chuyện kể về trận càn của thực dân Pháp ngày 10/8/1949 là một dấu son về tình thần yêu quê hương đất nước, mà đại diện là 18 Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh và người dân làng đã mất, trong đó có câu chuyện cảm động kể về Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút.

 

Giếng Làng Kim Bảng và Nhà bia tưởng niệm 18 người con quê hương đã hy sinh vì đất nước

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, theo Đảng và Bác Hồ, vùng đất Kim Bảng, Phú Điền, Nam Sách, Hải Dương đã ghi dấu nhiều câu chuyện anh hùng dũng cảm, sự hy sinh vì quê hương, đất nước. Giữa bối cảnh lịch sử bi tráng của dân tộc trong những ngày đầu chính quyền cách mạng còn non trẻ, người thanh niên Nguyễn Văn Bút sớm đi theo tiếng gọi của đồng chí, đồng đội, sẵn sàng hy sinh cả tuổi trẻ và cuộc đời mình để góp phần bảo vệ xóm làng, quê hương, đất nước.Nguyễn Văn Bút sinh năm 1920 tại thôn Kim Bảng, xã Phú Điền, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nông dân cần cù, kiên cường. Bố ông là con cả, là trưởng chi của dòng tộc. Phát huy truyền thống hào khí của quê hương Kim Bảng, hun đúc những phẩm chất tốt đẹp từ gia đình, Nguyễn Văn Bút thấy được sứ mệnh cao cả khi đứng vào hàng ngũ của những người cách mạng, đấu tranh vì lý tưởng, vì Tổ quốc và nhân dân. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1946, tham đội du kích, rồi làm xã đội phó, xã đội trưởng xã Phú Điền, vào Đảng cộng sản Việt Nam tháng 8 năm 1947. Ở nhiệm vụ nào, cũng luôn thể hiện sự kiên cường, dũng cảm, nghĩ đến tổ chức cũng như những người đồng chí, đồng đội.Trong bối cảnh những năm cách mạng còn non trẻ, kẻ địch liên tục và điên cuồng tìm bắt, đàn áp những chiến sĩ cách mạng. Mờ sáng ngày 10/8/1949, trong khi họp Chi Bộ truy điệu 1 Đảng viên hy sinh, ông cùng 18 đồng đội và người dân làng đã bị địch bắt. Ngay sau đó, thực dân Pháp đã đưa ông, các đồng đội và người dân ra Đình Trên thôn Kim Bảng vào ngày 10/8/1949, tra tấn dã man ông và những người cùng bị bắt. Nhưng ông kiên cường, không khuất phục trước họng súng của kẻ thù, không một lời khai báo. Dù bị tổn thương nặng nề về thể xác, nhưng tinh thần chiến đấu của ông chưa bao giờ suy giảm, quyết tâm bảo vệ tổ chức, gan dạ bảo vệ đồng chí, đồng đội tới hơi thở cuối cùng. Do không khai thác được gì, kẻ địch đưa ông lên Bốt Tre Điền, Cộng Hoà, Nam Sách và bắn chết ông cùng các đồng đội và người dân.Sau này, ngày 16-17, tháng 7 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày giỗ trận đối với ông và các đồng đội hy sinh, người dân Kim Bảng các thế hệ luôn truyền tai cho nhau câu chuyệnvề tấm gương hy sinh anh dũng của ông và các đồng đội trong trận càn khốc liệt năm xưa, thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ ông và những người con ưu tú đã hy sinh vì xóm làng, quê hương, đất nước.

 

Thân nhân Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút thực hiện nghi lễ tri ân trước Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và người dân tại Khu di tích Giếng Làng Kim Bảng

Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút hy sinh, là nỗi đau và mất mát lớn lao; những người thân trong gia đình ông đã viết tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang. Noi gương anh trai, em ruột ông là Nguyễn Văn Quang cũng tham gia cách mạng từ sớm, là công an huyện và sau này trở thành tỉnh uỷ viên của tỉnh uỷ Hải Hưng, Bí thư huyện uỷ Nam Sách. Một người em khác là Nguyễn Văn Pha, cũng từng là Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Phú Điền, tham gia nhập ngũ và chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, khi nghỉ hưu là Trung tá Quân đội.Gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút là một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Dòng máu yêu nước, kiên cường được truyền lại cho các thế hệ sau. Vợ ông là người thuỷ chung, son sắt, đảm đang, thờ chồng, nuôi con. Người con trai duy nhất của Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút là Nguyễn Đức Chiến, sinh năm 1947, thuở nhỏ học giỏi, lớn lên có nhiều nỗ lực phấn đấu, trở thành sĩ quan quân đội, được Nhà nước cử đi Liên Xô học lái máy bay MIG-21 và trở về cùng đồng đội tham gia chiến đấu anh dũng trong hàng ngũ Không quân Việt Nam.

Đặc biệt, phi công Nguyễn Đức Chiến đã chiến đấu gan dạ trong Chiến dịch “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội năm 1972. Trở về đời thường, thương binh Nguyễn Đức Chiến tích cực tham gia công tác hội cựu chiến binh, làm kinh tế, giúp đỡ đồng đội, làng xóm và mọi người. Các cháu của Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút có 2 trai, 1 gái đều ngoan ngoãn trưởng thành và là những công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước, quê hương.Sau này, cháu chắt, gia đình, dòng họ cụ Nguyễn Văn Bút đã tiếp nối truyền thống cách mạng quý báu của cha ông. Con cháu, chắt, các thế hệ đã, đang và sẽ tiếp tục cùng nhau đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, đặc biệt là quê hương Kim Bảng, nơi chôn nhau cắt rốn, hun đúc truyền thống tốt đẹp. Hết lòng tri ân sâu sắc những người con của Tổ quốc đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút cùng mọi người dân trong làng đã tham gia tích cực vào việc xây dựng Nhà Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Đồng bào đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, phục hồi, bảo vệ và tu tạo cảnh quan khu vực giếng Làng, nơi mà người dân địa phương thường xuyên sử dụng; bà con khắp nơi về thăm quan, chiêm bái; cũng là nơi hội tụ linh khí, biểu tượng của tinh thần đoàn kết của con em người dân quê hương Kim Bảng.

Di tích Giếng Làng và Nhà Bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ và đồng bào và sự kiện Giỗ trận vào 2 ngày liên tiếp 16 & 17 tháng 7 âm lịch hàng năm được nhân dân thôn Kim Bảng luôn luôn tri ân, khắc ghi, tưởng nhớ và truyền cảm hứng về truyền thống lịch sử cách mạng tốt đẹp tới các thế hệ con em quê hương, góp phần hun đúc hơn nữa lòng tự hào, đồng thời giáo dục, nhắc nhở các thế hệ sau luôn nhớ ơn cha ông, cần phải biết tiếpnối lòng yêu nước, ý chí cách mạng của những người con quê hương đã hết lòng vì đất nước và vùng quê giàu truyền thống Kim Bảng anh dũng & kiên cường.Những câu chuyện đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút và các đồng đội, con cháu đời sau sẽ còn kể mãi với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc. Liệt sĩ Nguyễn Văn Bút và gia đình không chỉ góp phần làm quê hương Kim Bảng thêm rạng danh, kiêu hãnh, tự hào, mà còn góp phần thiết thực xây dựng và bảo vệ quê hương Kim Bảng, đất nước Việt Nam!

 

(Nguồn lấy từ tư liệu từ FACEBOOK LÀNG VĂN HOÁ KIM BẢNG và một số nhân chứng)

Kim Bảng, ngày 19/8/2024

Hội những người yêu quý mến Làng Kim Bảng