Hành trình tìm Thầy Sư Hạnh: Khó khăn và nỗ lực theo duyên tìm được Thầy!

287 lượt xem admin 05/07/2025

LKB – Kim Bảng ngày 30/6/2025, Trong ánh nắng đầu hạ rực rỡ trên miền đất Ninh Bình, nơi núi sông hội tụ linh thiêng, một đoàn người lặng lẽ nhưng đầy quyết tâm đã khởi hành từ Làng Kim Bảng xã An Phú, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đó không phải là một chuyến đi bình thường. Đó là hành trình của tri ân, của nghĩa tình, của khát vọng tìm lại ánh sáng cho một phần lịch sử bị thời gian vùi lấp – tìm lại dấu tích của Thầy Sư Hạnh. Thầy là ai? Là một nhà sư tu hành tại chùa Kim Bảng giai đoạn 1947–1949, những năm tháng đất nước ngùn ngụt khói lửa kháng chiến. Trong bóng tối kìm kẹp của thực dân Pháp, Thầy được Tỉnh Uỷ Hồng Quảng cử về Nam Sách, khu 5 (theo lời kể của ông Nguyễn Quang Trung, đảng viên 67 năm tuổi Đảng nay kể lại) đã âm thầm dựng cờ cách mạng, trở thành người gieo mầm hy vọng cho quê hương. Và rồi bị chỉ điểm… Thầy bị bắt, bị giết hại, không một nấm mồ, không ai biết quê quán, không rõ danh tính thật. Chỉ còn nhân dân Làng Kim Bảng, đời này qua đời khác, truyền nhau hai chữ “Sư Hạnh” với lòng tôn kính vô hạn.

 

Những mảnh ghép ký ức – Hy vọng được thắp lên từ dòng Họ Lê Đình

Lần theo những tìm hiểu về Thầy Sư Hạnh của Cô Thuỷ, cô giáo dạy tại Trường Tiểu học Phú Điền, xã An Phú ngày nay, đồng chí Nguyễn Quang Huân, Bí thư Chi bộ đã thông qua Chi bộ và phối hợp với nhiều con em quê hương tổ chức chuyến hành hương về Ninh Bình tìm thầy Sư Hạnh với sự tham gia của các bác đảng viên cao tuổi, đại diện Chi Hội người cao tuổi như bác Trần Công Trứ, bác Nguyễn Văn Trác…. Được biết, trước đó, cô giáo Mạc Thị Thuỷ, đã từ Phú Điền, Nam Sách lặn lội về Uông Bí Quảng Ninh tìm kiếm dấu tích Thầy Sư Hạnh, có một câu chuyện nhỏ, lặng lẽ, nhưng khiến nhiều người trong đoàn lặng đi vì xúc động. Cô Thuỷ kể lại: Ông Lê Đình Chính, hiện sinh sống tại Uông Bí, Quảng Ninh, là một trong những hậu duệ của dòng họ có liên quan mật thiết đến cụ Trần Thị Tèo – người từng làm công quả tại chùa Kim Bảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cũng là người được tin là có mối liên hệ và biết được dấu tích Thầy Sư Hạnh. Trong lần trò chuyện với đoàn cô Thuỷ, ông Chính kể: “Tôi nhớ năm ấy tôi chỉ chừng 5–6 tuổi, được bố tôi là cụ Lê Đình Liêm đưa ra chùa Kim Bảng thăm bác Tèo. Cảnh chùa ngày ấy giản dị mà thanh tịnh, tôi còn được ăn bữa cơm tại chùa. Mùi khói nhang, tiếng chuông chùa và dáng người phụ nữ lặng lẽ quét sân chùa năm ấy – đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in…” Rồi ông kể, Cụ Tèo mồ côi cha mẹ từ khi mới 7 tuổi, là con nuôi của một gia đình tại xã Khánh Hồng, Yên Khánh, Ninh Bình, sống cùng nhà với hai em là Liêm và Trợ. Từ thuở nhỏ, bà đã theo chân Thầy Sư Hạnh tới chùa Kim Bảng lặng lẽ quét sân chùa, giặt áo cà sa, đốt nén nhang chiều giữa cơn bão thời cuộc. Cuộc đời bà Tèo trải qua nhiều biến cố đầy xót xa. Lần đầu lập gia đình ở thôn Kim Khê, xã Phú Điền, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương cũ), sinh được một người con gái thì không may cháu ngã giếng chết đuối khi mới ba tuổi. Năm sau, chồng bà qua đời. Gánh nặng đổ dồn lên đôi vai người đàn bà góa bụa giữa thời loạn. Nhưng bà không gục ngã. Sau đó, bà Tèo tái giá với ông Chấn – người thôn Lý Văn, sinh được ba người con, trong đó có ông Chiến, người sau này là đã giúp cô Thuỷ và đoàn nhiều thông tin để góp phần lần ra manh mối Thầy Sư Hạnh. Ký ức về bà Tèo không chỉ dừng lại ở đó. Ông Chiến kể: “Năm 1965, trong một lần đặc biệt, ông Trợ em trai nuôi cụ Tèo, khi ấy là Thiếu tá Quân đội, mặc quân phục, đi xe ô tô về thăm chị. Cảnh tượng đó khiến cả làng xôn xao và trở thành một dấu mốc trong ký ức của người dân”.

Thông tin tìm kiếm về Cụ Trần Thị Tèo được sơ đồ hoá, làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm manh mối thông tin về Thầy Sư Hạnh (chữ viết tay của Cô giáo Mạc Thị Thuỷ)

 

Cô Mạc Thị Thuỷ và bác Chiến, cô Hoá (người thôn Lý Văn), chuẩn bị lên đường ra Uông Bí, Quảng Ninh tìm thêm thông tin về Cụ Tèo, người làm công quả tại Chùa Kim Bảng những năm 1947-1949, với hy vọng những người còn sống hiện nay có biết về Cụ Tèo có thể cung cấp thông tin về Thầy Sư Hạnh

 

Tìm dấu chân cụ Tèo từ Ninh Bình ra Hải Dương

Đến nay, manh mối duy nhất là cụ Trần Thị Tèo – người phụ nữ từng làm công quả tại chùa Kim Bảng vào chính thời điểm Thầy Sư Hạnh còn tu hành. Cụ Tèo có gốc gác từ vùng Hậu Yên, tỉnh Ninh Bình (cũ), như đã kể ở trên. Lần theo mạch ký ức đó, Chi bộ Làng Kim Bảng cùng đại diện Chi hội Người cao tuổi, cán bộ giáo dục xã An Phú và các hương nhân, con em quê hương đã đi về Ninh Bình trong một hành trình đầy xúc cảm. Mọi người tới thôn Phúc Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, gặp bác Phạm Thị Phúc (sinh 1950), người cháu trong họ cụ Tèo, cụ Liêm, cụ Trợ và cô Lục. Bác Phúc nhiệt thành dẫn đoàn tới Trưởng họ, rồi tiếp tục giới thiệu gặp cụ Lê Văn Thưởng (sinh 1925), người cao tuổi nhất xã Khánh Hồng. Cụ bảo: “Tôi biết cụ Tèo… nhưng không rõ bà có ra Hải Dương không”, một câu nói lặng lẽ nhưng khiến lòng người se lại. Đoàn tiếp tục ghé thăm gia đình bác Tuấn, con cụ Trợ, người em trong gia đình nhận cụ Tèo là con nuôi. Những lời kể chưa thực sự rõ, cùng nét mặt ngẫm ngợi… dẫu chưa có kết quả cụ thể, nhưng mỗi cuộc gặp, mỗi lời chào hỏi, mỗi cái bắt tay như đắp thêm một viên gạch cho con đường trở về với quá khứ. Cuối hành trình, đoàn ghé chùa Đức Hậu, nằm ven sông Vạc, cũng thuộc xã Khánh Hồng. Ngôi chùa cổ kính rêu phong, đứng lặng lẽ chứng kiến bao biến thiên lịch sử, mở ra cho đoàn một không gian suy tưởng về tiền nhân và những bậc hiền đức đã đi qua đời trong thầm lặng, mà di sản để lại vẫn luôn ấm nóng trong lòng người ở lại.

Đoàn gặp bác Phạm Thị Phúc (tại Thôn Phúc Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; nay là thôn Sa Lung, xã Yên Từ), con dâu Cụ Liêm, người có kí ức về Cụ Tèo

Bác Phúc dẫn đoàn qua nhà Cụ Lê Văn Thưởng (năm nay 101 tuổi) ở xóm 12, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình để tìm thêm thông tin về cụ Trần Thị Tèo 

 

Bác Phúc dẫn đoàn qua nhà Anh Tuấn con trai cụ Trợ ở xóm 12, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình để tìm thêm thông tin về cụ Trần Thị Tèo 

 

Đoàn thăm quan và chiêm bái Chùa Đức Hậu

Những lời tâm huyết

Chuyến đi khép lại bằng những rung cảm sâu sắc. Bác Trần Công Trứ, đảng viên Chi bộ Kim Bảng, Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi Kim Bảng, xúc động nói: “Việc tìm Thầy Sư Hạnh, tri ân công đức của các bậc tiền bối có công nói chung và Thầy Sư Hạnh nói riêng là việc rất nên làm và vô cùng ý nghĩa. Sáng nay khi gặp được bác Phúc, chúng tôi tràn đầy hy vọng. Mặc dù thông tin về Thầy chưa rõ ràng, đây là công việc gian nan nhưng chúng ta cần tiếp tục nỗ lực, không được nản chí.” Bác Nguyễn Văn Trác, đảng viên Chi bộ, khẳng định thêm trong sự lặng lẽ đầy quả quyết: “Chúng ta không được bỏ cuộc.”

Cô Thủy, cán bộ giáo dục xã An Phú, bày tỏ: “Tôi không sinh ra và lớn lên ở Làng Kim Bảng, nhưng chính nơi đây đã khiến tôi gắn bó sâu sắc – từ con người đến lịch sử truyền thống. Khi nghe về Thầy Sư Hạnh, tôi thực sự xúc động. Trong thời gian qua, tôi đã tự mình đi nhiều nơi để tìm hiểu tư liệu: từ Hà Nội cùng bác Chiến, đến Uông Bí Quảng Ninh gặp bác Chính – con trai cụ Liêm trong dòng họ liên quan đến cụ Tèo, rồi lần này, lại được cùng cán bộ và Nhân dân Làng Kim Bảng về Ninh Bình, tiếp tục tìm kiếm thông tin về Thầy. Chỉ khi đi thực tế như thế này, tôi mới thấy hết giá trị của tư liệu sống. Kim Bảng là vùng đất đặc biệt – nơi lưu giữ khí phách cách mạng và sự kiện lịch sử trận càn ngày 10/8/1949 luôn khắc sâu trong lòng dân làng. Được tìm hiểu về Thầy Sư Hạnh khiến tôi thêm biết ơn và tự hào, tôi xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực đồng hành cùng các bác, các anh chị để tìm lại ánh sáng cho phần ký ức thiêng liêng này…”

 

Chặng đường chưa kết thúc

Dẫu chưa tìm được tư liệu xác thực về thân thế Thầy Sư Hạnh, nhưng hành trình ấy không vô nghĩa. Bởi đó là hành trình của tâm linh, của đạo nghĩa, của tình làng nghĩa nước. Mỗi bước chân của đoàn là một lời thầm thì gửi vào gió, nhắn nhủ với quá khứ rằng: “Chúng con đang đi tìm Người – bằng tất cả trái tim và lòng biết ơn sâu thẳm.” Chi bộ Làng Kim Bảng cùng Nhân dân quê hương xin tiếp tục hành trình này – để rồi một ngày không xa, lịch sử sẽ gọi đúng tên Người. Và khi ấy, Người sẽ không còn là một ký ức mờ nhòa mà là một phần chính thức trong trang sử vẻ vang của dân tộc, của đất nước và quê hương.

 

HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU QUÝ MẾN LÀNG KIM BẢNG

 

 

3 4 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x